Đặc sắc Trại văn hóa huyện Cẩm Khê tại Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Thìn 2024.

Hội trại văn hóa là một trong những nội dung quan trọng, sinh động nhất trong Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Năm nay, tham gia Hội trại văn hóa tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và tuần văn hóa du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, Trại văn hóa huyện Cẩm Khê được thiết kế, xây dựng công phu và có nhiều điểm nổi bật, độc đáo, đặc sắc.

Để xây dựng trại văn hóa của huyện tại lễ hội, các đồng chí lãnh đạo huyện đã xem xét nhiều phương án, hình mẫu thiết kế để chọn ra phương án xây dựng kiểu nhà truyền thống bằng tre trúc, lợp lá. Kết cấu khối nhà trại chính gồm khối nhà chính 3 gian; 2 khối nhà phụ 2 bên gắn liền và vuông góc với nhà chính tạo thành hình khối tổng thể mô phỏng kiểu nhà 3 gian 2 chái lồi, vốn là kiểu nhà trước đây rất phổ biến, thân thuộc ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ. Điểm độc đáo riêng là khối nhà trại này giảm thiểu các vách ngăn nhằm tận dụng tối đa không gian giữa các gian, các phòng để tạo thuần lợi cho sinh hoạt đông người, giới kiến trúc gọi đó là kiểu nhà cộng đồng; diện tích tính theo giọt mái của khối nhà trại là hơn 80 m2. Toàn bộ khung nhà chính do HTX tre trúc VNS Phú Thọ xã Đồng Lương (Cẩm Khê) thi công; toàn bộ phần bài trí trại do Trung tâm Văn hóa- Thể thao- Du lịch và Truyền thông phối hợp với Phòng Văn hóa- Thông tin huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo huyện.

Toàn bộ khung nhà được uốn xếp bằng tre trúc, mái lợp lá cọ. Tre trúc là  loài cây thân thiết, phổ biến của người Việt, nhất là vùng trung du, miền núi; cây cọ, lá cọ là có thể coi là một sản vật đặc trưng của quê hương Phú Thọ. Việc sử dụng những vật liệu này vừa gợi những nét truyền thống dân dã, đặc trưng của quê hương Đất Tổ, vừa thân thiện với môi trường.

Về bài trí trại: Biểu tượng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ  được đặt trang trọng ở gian chính giữa bên trên bàn thờ (án gian); phía ngoài án gian là sập gụ truyền thống. Các bộ bàn ghế, trường kỷ trong trại đều làm bằng tre trúc rất tinh sảo, vững chãi. Các bức ảnh phong cảnh hoặc ảnh hoạt động nổi bật của huyện được in khổ lớn, treo ở những vị trí phù hợp. Các cây cảnh, hoa được bố trí hài hòa trong khuôn viên, tạo nên cảm giác ấm cúng, thân thiện, trang nhã.

Điểm nhấn độc đáo của cổng trại là cụm 4 khối trụ hình chóp nón lộn ngược xếp thẳng hàng phía trước nhà, cũng được uốn hoàn toàn từ tre trúc. Hình khối độc lạ này đã thu hút sự chú ý từ xa của du khách. Về ý nghĩa của khối cổng này, tùy theo cảm nhận của người xem. Nếu người xem cảm nhận đấy là những chiếc nón lá lộn ngược (cách điệu) thì nón lá là sự chở che, ấm áp, an toàn, thân thiện; nón lá cũng là sản phẩm đặc trưng của làng nghề nón lá Sai Nga Cẩm Khê đã được công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia. Nếu người xem cảm nhận đấy là những chiếc nơm úp cá thì đó là dụng cụ đánh bắt cá quen thuộc của người dân Việt xưa kia, nó là biểu tượng của sự thu hoạch, là cuộc sống đủ đầy. Nếu du khách cảm nhận đấy là những chiếc loa thì loa là công cụ chia sẻ thông tin, là sự lắng nghe, thấu hiểu…. Người xem càng tưởng tượng, suy luận phong phú thì tính chất, ý nghĩa văn hóa trong hình khối, bố cục của cổng trại văn hóa huyện Cẩm Khê càng đa dạng, phong phú, sinh động hơn.

Bên cạnh những điểm nhấn, độc đáo nêu trên, trại văn hóa huyện Cẩm Khê còn dành riêng 1 gian để trưng bày nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP của huyện như bánh chưng, chè lam Cát Trù; nem chua Phượng Vỹ; thịt chua Sông Thao; Chè Đá Hen Đồng Lương; mật ong Hương Lung; Mỳ gạo Thạch Đê; Trà vối SK, bánh sắn Sơn Bình; nón lá Sai Nga;…. Mỗi sản phẩm OCOP tự nó đã là một sự độc đáo, đặc  biệt, đặc trưng cho mỗi xã, mỗi làng, cũng là điểm nhấn để mời gọi du khách thập phương đến tham quan, thưởng thức…

So sánh với trại văn hóa các huyện thành thị khác, trại văn hóa huyện Cẩm Khê tại Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều điểm độc đáo, khác biệt hẳn bởi sự đầu tư công phu, tinh tế, chắc chắn sẽ là điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách thập phương đếm chiêm ngưỡng, trải nghiệm.