Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới có liên quan đến quyền và lợi ích trong chế độ sở hữu đất đai, trong đó bổ sung quyền được trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, khoản 4 Điều 15 của luật quy định, một trong những trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật cho người sử dụng đất trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính về đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Như vậy, khi có tranh chấp, vướng mắc về pháp luật đất đai, người sử dụng đất nếu thuộc diện trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì nộp hồ sơ cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Hồ sơ gồm có: Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; giấy tờ chứng minh thuộc diện trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Người có yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý theo một trong các phương thức sau: Nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; gửi hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý qua fax, hình thức điện tử (khoản 2 Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý).
Hiện nay, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước-đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp. Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Những quy định trên đã tiếp tục khẳng định vai trò của trợ giúp pháp lý trong việc bảo đảm quyền của người dân khi gặp vướng mắc, tranh chấp về pháp luật đất đai. Tuy nhiên, quy định trên cũng đã đặt ra nhiệm vụ đối với công tác trợ giúp pháp lý, đó là kết nối với cơ sở dữ liệu về đất đai để khai thác thông tin khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu.
NAM TRỰC