Trị mụn bằng tỏi: Ăn sống hay bôi lên da?

GD&TĐ – Sử dụng tỏi để trị mụn trứng cá được chứng minh là một phương pháp chữa trị hiệu quả giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, giảm sản xuất bã nhờn.

Đặc tính chống viêm của tỏi giúp giảm mẩn đỏ và sưng tấy do mụn trứng cá. (Ảnh: ITN)
Đặc tính chống viêm của tỏi giúp giảm mẩn đỏ và sưng tấy do mụn trứng cá. (Ảnh: ITN)

Tỏi không chỉ tăng thêm hương vị cho các món ăn của chúng ta, khiến chúng bổ dưỡng và thơm ngon hơn mà còn rất hữu ích cho việc chăm sóc da. Tuy nhiên, bạn phải coi chừng! Bài viết này giúp bạn hiểu lý do tại sao nên sử dụng tỏi đúng cách.

Sự thật về khả năng trị mụn của tỏi

Tiến sĩ, bác sĩ da liễu Raina N. Nahar (Ấn Độ) cho biết: “Đặc tính chống viêm của tỏi giúp giảm mẩn đỏ và sưng tấy do mụn trứng cá, đồng thời khả năng thúc đẩy quá trình lành da có thể giúp làm mờ sẹo mụn”.

Dẫu vậy, tỏi phải được sử dụng cẩn thận vì dạng cô đặc của nó có thể quá khắc nghiệt đối với da. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phytomedicine Avicenna cho biết tỏi có các hợp chất giúp ức chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Đây là lý do tại sao tỏi có tác dụng tốt cho tình trạng da.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Khoa học Thực phẩm & Dinh dưỡng cho biết có một số hợp chất trong tỏi giúp tăng cường tác dụng kháng khuẩn. Ví dụ, hợp chất allicin giúp chống lại vi khuẩn Streptococcus cholermidis, được cho là nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá.

Một lợi ích nữa của việc sử dụng tỏi để trị mụn là đặc tính chống viêm. Theo một nghiên cứu về Độc tính Hóa học và Thực phẩm, allicin có trong tỏi làm giảm các phân tử gọi là cytokine gây viêm.

Khi nói đến việc sử dụng tỏi để trị mụn, một số người băn khoăn nên ăn tỏi ở dạng thô hay xay nhuyễn và bôi lên da.

Vào năm 2024, các video TikTok lan truyền cảnh mọi người ăn tép tỏi sống để giảm mụn trứng cá. Nhưng, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải pha loãng tỏi để tránh kích ứng da.

Tiến sĩ Nahar khuyến nghị: “Bạn nên nghiền nát hai tép tỏi và trộn nước ép với mật ong hoặc sữa để tạo thành hỗn hợp sệt, sau đó thoa một lớp lên mặt, tránh những vùng nhạy cảm như mắt và miệng. Hãy để nó trong 15-20 phút trước khi rửa sạch.”

Cách sử dụng tỏi để điều trị mụn bọc

Tỏi cũng có thể được sử dụng để điều trị mụn bọc. Tiến sĩ Nahar cho biết: “Phương pháp này giúp giảm viêm và ngăn ngừa sẹo trong khi điều trị mụn bọc đang hành hạ làn da.”

Lưu ý khi dùng tỏi trị mụn

3. Tranh su dung toi da bam san.jpg
Khi sử dụng tỏi để trị mụn, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh kích ứng da. (Ảnh: ITN)

Khi sử dụng tỏi để trị mụn, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh kích ứng da:

Luôn pha loãng tỏi với mật ong, sữa hoặc chất làm dịu khác và thực hiện kiểm tra trên da để đảm bảo da bạn không có phản ứng tiêu cực.

Tránh bôi tỏi gần các vùng nhạy cảm như mắt và miệng, đồng thời hạn chế thời gian bôi tỏi trong khoảng 15-20 phút, đặc biệt nếu bạn mới sử dụng lần đầu.

Chọn loại tỏi phù hợp để trị mụn

Theo Tiến sĩ Nahar, để điều trị mụn trứng cá, tốt nhất nên chọn những tép tỏi tươi, nguồn gốc hữu cơ vì chúng chứa hàm lượng hợp chất hoạt tính cao hơn như allicin, rất cần thiết để chống lại mụn trứng cá.

Tránh sử dụng tỏi đã băm sẵn hoặc đã qua chế biến vì những sản phẩm này làm giảm tác dụng và có thể không hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá. Nhìn chung, bạn nên xem xét cách tốt nhất để có được lợi ích sức khỏe tối đa.

Sử dụng bao nhiêu tép tỏi để trị mụn trong một ngày?

Tiến sĩ Nahar nói: “Khi bôi tỏi tại chỗ để trị mụn, chỉ cần hai tép tỏi là đủ để che toàn bộ khuôn mặt. Điều quan trọng là không lạm dụng tỏi vì sử dụng quá nhiều sẽ dẫn đến kích ứng da.”

Tác dụng phụ của việc sử dụng tỏi để trị mụn

Tác dụng phụ phổ biến nhất của việc sử dụng tỏi để trị mụn là gây kích ứng da, đặc biệt nếu nó được dùng ở dạng cô đặc.

Một nghiên cứu được công bố trên Dermatology Reports cho biết tác dụng phụ của việc sử dụng tỏi để trị mụn bao gồm viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc với protein hoặc phản ứng dị ứng với protein có nguồn gốc thực vật hoặc động vật, viêm da zosteriform là một dạng phát ban khác.

Lưu ý, tỏi có thể ăn da, dẫn đến bỏng hoặc loang lổ nếu không pha loãng đúng cách. Để tránh những tác dụng phụ này, hãy luôn pha loãng tỏi và thận trọng khi sử dụng trên da.

Theo healthshots.com