Sau gần 1 năm đầu tư nuôi con đặc sản hoang dã này, anh Nguyễn Văn Tám, ở thôn Ngải, xã Văn Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình) bước đầu có thu nhập ổn định.
Trò chuyện với báo Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Tôi làm trưởng thôn Ngải đến nay khoảng 15 năm và giờ vẫn đang tiếp tục công việc. Ngoài các hoạt động của thôn, ở nhà tôi còn chăn nuôi thêm mấy chục con cầy hương (có người gọi là cầy vòi voi)”.
Anh Tám kể tiếp: “Trước kia để phát triển kinh tế gia đình, tôi nuôi con lợn, gà, ba ba…Tuy các con vật này nuôi có hiệu quả nhất định nhưng nhận thấy tốn khá nhiều công chăm sóc, và hay bị dịch bệnh nên tôi quyết định tìm kiếm con nuôi mới. Năm 2023, tôi đi đến tỉnh Hà Nam làm việc và tình cờ biết đến mô hình nuôi con cầy hương”.
Theo anh Tám, con đặc sản này vốn là loài động vật hoang dã rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Thịt cầy hương rất ngon, còn da của nó có thể dùng trong may mặc.
Lúc đó, anh Tám nghĩ ngay đến việc mua cầy hương về để nuôi tại trang trại gia đình với mong muốn có thu nhập tốt.
Theo báo Ninh Bình, năm 2023, với sự tư vấn của một số người bạn và tìm hiểu trên các trang mạng về con cầy hương, anh quyết định đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính, cách chăm sóc con vật này tại HTX Chiến Thắng (Hà Nam) sau đó tìm kiếm nơi có nguồn giống chất lượng.
Anh Tám cho biết: “Tôi đã liên hệ với HTX Thắng Lợi 1 (Yên Bái) để có nguồn giống chất lượng. Cùng với đó, chúng tôi liên kết, làm thủ tục xin giấy phép chăn nuôi, huy động kinh phí từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nho Quan để xây dựng trang trại nuôi và mua thử nghiệm 20 con cầy hương để nhân đàn.
Đặc biệt, HTX Thắng Lợi 1 đã cam kết đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bằng giá con giống khi tôi mua về. Vì vậy, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng tôi khá yên tâm và tự tin với mô hình con nuôi mới”.
Nhờ được áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên đàn cầy hương của anh Tám ngày càng sinh trưởng, phát triển. Đến nay, sau gần 1 năm đàn cầy hương của gia đình anh đã tăng lên 33 con và vừa qua xuất bán lứa đầu tiên với giá 19 triệu đồng/con giống 4 tháng tuổi, 23 triệu đồng/con mẹ trưởng thành và 30 triệu đồng/con bố trưởng thành; ước doanh thu lứa đầu tiên khoảng 300 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cầy hương, anh Tám cho biết, chuồng nuôi cầy hương cần phải có hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.
Cầy hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt. Trong quá trình nuôi, hàng ngày, người nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để cầy hương không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên.
Bên cạnh đó, con cầy hương vẫn giữ bản tính hoang dã rất hung dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.
Khi cầy hương mẹ đang trong giai đoạn nuôi con, nếu có tiếng ồn, gặp người lạ thì cầy mẹ sẽ đem giấu trong tổ, làm trầy xước, nhiễm trùng, thậm chí gây chết con. Vì vậy, khu vực chuồng nuôi cầy mẹ phải thật sự yên tĩnh, tránh người lạ vào thăm.
Cũng theo anh Tám, nuôi cầy hương tốn ít công chăm sóc và chi phí. Mỗi ngày chỉ cần vệ sinh chuồng trại một lần; cho ăn 2-3 quả chuối chín được bóc vỏ sạch sẽ và 1 con cá rô phi, hoặc thịt gà cấp đông. Chi phí thức ăn cho một con cầy khoảng từ 4.000 – 5.000 đồng/ngày.
Cầy hương cũng là loài khá khỏe mạnh và ít mắc bệnh, chủ yếu bị rụng lông và ngứa do nấm, người nuôi chỉ cần dùng lá khế giã nát cùng với muối trắng sát vào chỗ bị bệnh.
Đặc biệt, khi thấy con cầy hương đi phân lỏng có thể bị bệnh đường ruột, người nuôi nên cho con cầy hương ăn quả chuối xanh (chưa chín) để trị bệnh, đồng thời ngừng cho ăn cá.
Thông thường con cầy hương mẹ đẻ 2 lứa/năm. Mỗi lứa sinh sản từ 3-4 con hay 5-6 con. Nuôi 2 tháng là có thể xuất giống cho khách hàng.
Gần 1 năm nuôi con cầy hương, anh Tám nhận thấy có hiệu quả thiết thực. Dự định của anh Tám là muốn mở rộng quy mô nuôi cầy hương nhằm tạo dựng thương hiệu cầy hương tại địa phương.
“So với những mô hình chăn nuôi trước đó, đầu tư nuôi cầy hương tuy chi phí giống cao nhưng lại dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian và công sức, thức ăn có thể tận dụng ngay tại địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội, giúp người nuôi thu hồi vốn nhanh.
Thời gian tới, gia đình tôi dự định nhân rộng đàn cầy hương giống lên hàng trăm con, đầu tư thêm chuồng trại hướng tới phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững”, anh Tám cho biết.
Minh Hoa (t/h)