Nhờ sự cần cù, sáng tạo, nông dân Bùi Đức Luận đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp quy mô lớn với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Khởi nghiệp với mô hình nuôi lợn
Hơn 20 năm chăn nuôi lợn, có lúc thua liểng xiểng, như ở dưới vực thẳm, lỗ bết bát trên 10 tỷ trong một năm, lão nông Bùi Đức Luận (SN 1957, trú tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) kiên trì áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi lợn và trở thành tỷ phú, là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Ít ai biết, ông Luận sinh ra trong gia đình thuần nông, nghèo khó, phải nghỉ học từ sớm, lăn lộn kiếm sống. Cuộc sống quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng thu nhập cũng chỉ vừa đủ nuôi 3 con ăn học.
Bước ngoặt đến với ông Luận vào năm 2002, khi ông có cơ hội gặp, trò chuyện với ông Nguyễn Thủy Trọng, khi đó là cán bộ Khuyến nông huyện Lâm Thao.
“Chính anh Thủy là người nói với tôi, muốn phát triển kinh tế, làm giàu, hạn chế dịch bệnh thì làm trang trại chăn nuôi lợn. Sau buổi gặp, tôi bắt ngay tay vào tìm hiểu, quyết làm mô hình chăn nuôi trang trại”, ông Luận tâm sự với Dân Việt.
Từ vài sào ruộng cấy lúa gia đình, ông Luận mạnh dạn dồn đổi ruộng xung quanh của bà con, tích tụ thành hơn 1ha; chuyển đổi sang làm trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả. Lúc khởi đầu, ông Luận cũng chỉ dám nuôi chừng 80 con lợn. Từ tiền lãi thu được mỗi vụ, ông lại mua thêm ruộng đất.
Năm 2017, sau khoảng thời gian dài tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi, tích tụ đất đai lên đến gần 7ha, ông Luận vay vốn ngân hàng 17 tỷ để đầu tư xây dựng trang trại khép kín, chăn nuôi lợn an toàn sinh học quy mô hàng nghìn con.
Theo báo Phú Thọ, hiện trang trại của gia đình ông Luận có tổng diện tích hơn 7ha, gồm 3 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn sinh học, thủy sản và kết hợp trồng cây ăn quả.
Mô hình đang duy trì hệ thống khép kín nuôi 200 lợn nái, hơn 2.000 lợn thịt, nuôi cá bán công nghiệp và trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, mít, nhãn, mắc ca…
Khó nhưng không… lùi
Ông Luận tâm sự, để có được cơ ngơi như hôm nay, ông đã trải qua không ít thăng trầm. Có thời điểm, ông như rơi vào tận cùng của vực thẳm – dịch tả châu Phi ập đến, giá thịt lợn tụt dốc nhanh chóng mặt, muốn bán cũng không có người mua.
“Sẽ không bao giờ tôi quên được năm 2017, giá thịt lợn giảm thê thảm từng giờ, thấp kỷ lục – chỉ hơn 6.000 đồng/kg. Bán 3kg thịt lợn sạch mới mua được 1kg khoai nướng (20.000 đồng/kg). Chỉ tính một năm này, gia đình tôi thua lỗ hơn 10 tỷ đồng. Vợ và mấy đứa con cứ khóc ròng.
Chưa kịp vực lại, vào năm 2018, một lần nữa trang trại lao đao vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Lúc dịch bệnh hoành hành, hơn 6 tháng, tôi và một số công nhân ăn uống, sinh hoạt tại chỗ, không dám ra khỏi trang trại, đi đâu”, ông Luận bồi hồi.
Dù vậy, ông Luận chưa phút giây nào nghĩ đến bỏ cuộc, từ bỏ nuôi lợn. Kể cả giai đoạn 2017-2018, thua lỗ bết bát, nhưng ông Luận luôn giữ sự bình tĩnh, quyết duy trì chuồng nuôi.
Theo báo Dân tộc và miền núi, trong lúc bế tắc, ông Luận được chính quyền địa phương, đoàn thể quan tâm, bàn giải pháp hỗ trợ, giải cứu hàng nghìn con lợn thịt nuôi an toàn sinh học đến ngày xuất chuồng.
Ngay sau đó, lợn được mổ, bán vào các bếp ăn khu công nghiệp, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Nhờ đó, trang trại của ông Luận nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, thu lại số tiền thua lỗ hơn 10 tỷ đồng và liên tục phát triển trong những năm gần đây.
“Vào những thời điểm khó khăn đó, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ thường xuyên, sự vào cuộc tích cực kịp thời tháo gỡ khó khăn của các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể. Nhờ đó, tôi luôn giữ bình tĩnh, tin tưởng vào con đường mình đã chọn để vượt qua. Sau mỗi thất bại, tôi lại rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân”, ông Luận bộc bạch.
Trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn an toàn sinh học
Theo báo Dân Việt, trang trại rộng gần 7ha của gia đình ông Luận duy trì ổn định hệ thống chuồng nuôi lợn hơn 2.000 con mỗi năm; nuôi cá công nghiệp trong ao rộng 4ha, thu hoạch 2 lần/năm; hàng trăm gốc bưởi diễn, mít đã cho thu hoạch và gần 100 cây mắc ca hơn 5 năm tuổi.
Trung bình, mỗi năm trang trại của ông Luận cho doanh thu khoảng 20 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn, hơn 300 triệu đồng từ nuôi thủy sản và hàng trăm triệu từ vườn cây ăn quả. Trừ chi phí, mỗi năm ông Luận thu lãi về hơn 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2022, giá thịt lợn thương phẩm duy trì mức khá, giúp trang trại của lão nông này đạt mức doanh thu kỷ lục – gần 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Luận thu lãi hơn 3 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Luận nhấn mạnh, chăn nuôi an toàn sinh học là “chìa khóa” đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông, đầu tư nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, sử dụng hệ thống chuồng kín đã đáp ứng yêu cầu về tiểu khí hậu chuồng nuôi và hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh, giúp cho trang trại có thể phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả, bền vững.
Chia sẻ với báo Phú Thọ, ông Luận cho biết: “Hiện gia đình tôi đang hoàn thiện thủ tục để xây dựng nhà máy cám cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô và tiến tới xây dựng cơ sở cung cấp lợn giống bố mẹ cho các trang trại chăn nuôi, đồng thời tạo ngày càng nhiều việc làm cho lao động địa phương”.
Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của ông Bùi Đức Luận là điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ. Bản thân ông Luận được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của của xã, huyện, tỉnh. Đặc biệt, năm 2015, ông Luận được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2023, ông Luận được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Minh Hoa (t/h)