Tuân thủ pháp luật để chăn nuôi Cầy Vòi Hương bền vững

Vương Thị ThảoVương Thị Thảo

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các mô hình nuôi Cầy Vòi Hương đang ngày càng phát triển. Người chăn nuôi cần hiểu biết các quy định pháp luật để có hướng phát triển chăn nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cầy Vòi Hương, Vòi Đốm hay Vòi Mướp (danh pháp hai phần: Paradoxurus hermaphroditus) là một loài động vật có vú thuộc họ Cầy, là loài bản địa của khu vực Nam Á, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Đây là loại cầy phổ biến nhất tại Việt Nam.

Tuân thủ pháp luật để chăn nuôi Cầy Vòi Hương bền vững- Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi Chồn Vòi Hương của anh Nguyễn Xuân Việt, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh)

Cầy Vòi Hương là loại động vật ăn tạp, kiếm sống về đêm. Nguồn thức ăn chủ yếu của nó là các loại quả như hồng xiêm, xoài, chôm chôm và các động vật nhỏ như chim, chuột, rắn,…

Cầy Vòi Hương sinh sản quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 10, 11 và 12. Chúng đẻ mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Cầy con có khả năng sinh trưởng rất nhanh.

Riêng tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm gần đây, ở các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê… xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi Cầy Vòi Hương, nâng cao thu nhập của người dân, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới.

Tuân thủ pháp luật để chăn nuôi Cầy Vòi Hương bền vững- Ảnh 2.

Chồn Vòi Hương dễ nuôi, đem lại thu nhập cao.

Điển hình như trang trại của các anh Nguyễn Văn Đức (trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), anh Nguyễn Văn Đức (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc), anh Võ Tá Khương (phường Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh), anh Nguyễn Xuân Việt (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang), anh Tuệ (huyện Hương Sơn),…. Đây là một số mô hình điểm trong hàng trăm mô hình chăn nuôi Cầy Vòi Hương mang lại giá trị kinh tế lớn.

Được biết đến nay, toàn tỉnh có trên 100 mô hình nuôi Cầy Vòi Hương với số lượng khoảng trên 110.000 con, các mô hình chăn nuôi đều đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật

Ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các văn bản có liên quan thì Cầy Vòi Hương là loài động vật nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB – “Động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam”. Chính vì vậy, khi gây nuôi Cầy Vòi Hương vì mục đích thương mại, chủ cơ sở phải xây dựng hồ sơ đề nghị Chi cục Kiểm lâm cấp mã số cơ sở nuôi, đảm bảo các quy định về điều kiện gây nuôi, vệ sinh môi trường, an toàn với con người….

Tuân thủ pháp luật để chăn nuôi Cầy Vòi Hương bền vững- Ảnh 3.

Mỗi lần sinh sản từ 2-3 con.

Trên địa bàn huyện Hương Sơn có trên 20 cơ sở nuôi Cầy Vòi Hương được cấp mã số cơ sở nuôi. Thời gian qua, đơn vị đã trực tiếp hướng dẫn, giám sát hoạt động gây nuôi của các hộ gia đình; tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã. Về cơ bản, các hộ gây nuôi đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thực hiện lập và ghi chép sổ theo dõi sinh trưởng, lập bảng kê đề nghị xác nhận BKLS đúng quy định, không có trường hợp vi phạm”.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mô hình nuôi Cầy Vòi Hương mang lại giá trị cao, đang được nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh lựa chọn. Tuy nhiên, để mô hình nuôi Cầy Vòi Hương phát huy hiệu quả, mang tính bền vững, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi, chú ý các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thường xuyên tìm hiểu về nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp.

Đồng thời, người chăn nuôi cần mua con giống ở các trại giống hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh.

Theo đó, để được phép thực hiện chăn nuôi Cầy vòi hương, chủ hộ chăn nuôi cần hoàn thiện các thủ tục gồm: giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp; xác nhận bảo vệ môi trường; cấp mã số trại nuôi tại cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh.

Hồ Thắng – Quốc Hoàn