Thuở ban đầu khi mới vào vùng đất mới, do cuộc sống khó khăn, xa trường lớp, bố mẹ phải gửi Nguyễn Phương Bắc về quê Nghệ An để học hết lớp 12. Thời điểm đó gia đình còn gặp khó khăn nên khi học xong lớp 12 vì “cơm áo gạo tiền” chị Phương Bắc đi làm công nhân may cho các nhà máy, xí nghiệp tại Bình Dương. Tuy nhiên, do đời sống công nhân quá khó khăn, lương thấp nên chỉ làm được 2 năm rồi chị quyết định quay về quê hương lập nghiệp.
Khi mới từ thành phố về quê chị Nguyễn Phương Bắc vẫn còn mông lung không phương hướng cụ thể nên cùng với bố mẹ đi làm thuê cho các gia đình trong vùng. Sau một thời gian chị dành dụm được số tiền 1,2 triệu. Cũng từ đây “cánh của mới” mở ra với chị. Với số vốn ít ỏi nhưng với ý chí lớn lao chị Phương Bắc bắt đầu khởi nghiệp.
Ban đầu bằng nghề thu mua cà phê từ các hộ gia đình trong buôn, sau đó mang đi nhập cho các đại lý. Nhờ chịu khó, tháo vát, tiết kiệm, chẳng bao lâu chị nông dân Phương Bắc đã tích lũy được số vốn đáng kể, trở thành chủ đại lý thu mua cà phê và cung ứng phân bón cho người dân.
Tiết lộ với báo Quân Đội Nhân Dân về quá trình khởi nghiệp của mình chị Bắc cho hay vùng đất chị ở chị Nguyễn Phương Bắc nhận thấy vùng đất Đam Rông những ngày mới thành lập còn khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng nhưng lại có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. “Đam Rông đất rộng người thưa, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước dồi dào. Có nhiều lâm thổ sản quý. Rất phù hợp để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại”, chị Nguyễn Phương Bắc cho biết.
Nhờ khởi nghiệp đúng hướng với số vốn ít ỏi, chị Phương Bắc tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế bằng cách mua đất để trồng cà phê, sầu riêng, trồng dứa, nuôi bò, nuôi cá tầm. “Trời không phụ công” sau thời gian chăm chỉ, gia đình chị đã sở hữu 9ha cà phê, cho năng suất hơn 20 tấn nhân/năm. Tận dụng đất cà phê, chị trồng xen 500 cây sầu riêng và 1.000 cây dứa Cayenne, trồng cỏ nuôi bò thịt, có 2ha đất xây dựng trang trại nuôi cá tầm, sản lượng đạt khoảng 25 tấn mỗi năm.
Từ mô hình kinh tế tổng hợp trên đã giúp cho gia đình chị Bắc có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, chị Bắc còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 14 lao động thường xuyên với mức lượng khoảng 8 triệu đồng/tháng. Đáng ngạc nhiên mô hình kinh tế lấy ngắn nuôi dài này đã giúp cho gia đình chị Bắc thu lợi nhuận cao, ổn định, đạt khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Khi có đồng vốn lớn trong tay chị lại quyết định đầu tư để làm giàu. Với mong muốn khai thác tiềm năng, giá trị tài nguyên thiên nhiên địa phương. Từ năm 2021, vợ chồng chị Nguyễn Phương Bắc mua đất lập trang trại để bảo tồn, trồng thảo dược kết hợp mô hình du lịch sinh thái. Khu du lịch rộng 12 héc-ta với tên gọi Suối nguồn Rô Men nằm ở thôn 4 xã Rô Men có lưng tựa núi, có rừng tự nhiên, có thác và suối nước mát chảy quanh năm, lại được chủ nhân chăm chút, tô điểm bằng những tiểu cảnh, khu nhà nghỉ, nhà hàng xinh xắn, cho trồng và bảo tồn nhiều loại dược liệu quý như xạ đen, tam thất, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, sả… hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn. Để mô hình thành công, chị Bắc cũng đang xin phép, hoàn thiện hồ sơ để cơ quan chức năng công nhận điểm du lịch canh nông “Suối nguồn Rô Men”.
Ngoài ra, cũng nhờ cái duyên với thuốc nam mà năm 2022 chị Phương Bắc đã quyết định theo học một lớp bào chế thuốc tại Hà Nội. Đến nay, chị nông dân này đã có thể sơ chế hay kết hợp một số vị thuốc để làm trà. Nổi bật với diện tích đất khoảng 12ha của mình, chị Bắc đã trồng 3-4ha xạ đen, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, các cây thuốc sẵn có trong vườn như trà dây rừng, chuối rừng, thủ phục linh cũng được chị giữ lại để bảo tồn, giữ gìn môi trường xanh, thuận tự nhiên.
Nhờ nỗ lực chăm chỉ làm việc và không ngần ngại đầu tư cho nông nghiệp mà chị Nguyễn Phương Bắc đã vươn lên trở thành “tỷ phú” và danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” do Trung ương Hội nông dân Việt Nam trao tặng.
Chia sẻ với Dân Việt về mô hình phát triển kinh tế của chị Nguyễn Phương Bắc, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND xã Rô Men cho biết: “Chị Nguyễn Phương Bắc là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Mô hình kinh tế tổng hợp nuôi cá tầm, trồng cà phê xen canh sầu riêng, trồng dứa và nuôi bò thịt đang mang lại hiệu quả rất cao. Đặc biệt, mô hình nuôi cá tầm mang lại doanh thu hàng tỷ đồng, đang được xã và huyện định hướng để người dân phát triển tại xã Rô Men. Đặc biệt, đối với công tác xã hội chị Bắc còn đóng góp rất nhiều trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Phương Bắc còn là Đại biểu Hội đồng Nhân dân xã nhiệm kỳ 2021-2026”.
Tuy xuất thân từ con nhà nông nhưng chị Nguyễn Phương Bắc không ngừng cố gắng mỗi ngày để học hỏi nhằm phát triển kinh tế, cho đến nay chị có được thành quả “ngọt ngào”. Chính điều này chị luôn tạo động lực cho chị em ở địa phương cùng cố gắng vươn lên làm giàu.
Những lợi ích cây xạ đen, không phải ai cũng biết
Bài viết của ThS.BS Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh trên Báo Sức khoẻ & Đời sống, mười năm trước người dân còn xa lạ với cây xạ đen, nhưng bây giờ xạ đen đã trở nên quen thuộc.
Cây xạ đen trở thành thứ lá nam uống quen thuộc của nhân dân tỉnh Hòa Bình và một số vùng rừng núi, và một phần nửa người dân đô thị hay nông thôn Việt Nam. Loại cây này còn có tên gọi bách giải, đồng triều, bạch vạn hoa, hoặc cây ung thư. Có hai loại lá tròn và lá dài hình răng cưa.
Tên khoa học: Celastrus hindsii. Thuộc họ dây gối – Celastraceae. Là cây thân mộc, cao tầm 1-2 mét, mọc đơn lẻ, hoặc có thể thành bụi do hạt chín rụng xuống lại cây mới hình thành.
Trong lá xạ đen có chứa các hoạt chất như: Flavonoid tác dụng làm chậm quá trình oxy hóa do các gốc tự do gây ra, từ đó giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây ung thư, đồng thời ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, lão hóa, thoái hóa gan…
Trúc Chi (t/h)