Nguồn nhân lực chính là “chìa khóa”, là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững trong thời đại hiện nay. Cùng với những chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh, công tác đào tạo nghề và thông tin, kết nối thị trường lao động, viêc làm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
Tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, định hướng việc làm cho các em học sinh tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Phú Thọ năm 2024
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, đổi mới, sáng tạo là tài nguyên, hội nhập và phát triển như hiện nay, người lao động cần có kỹ thuật, trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Do đó, một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả.
Trong đó, việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi bên cạnh trang bị cho người lao động đạo đức nghề nghiệp cùng những kiến thức về mặt lý thuyết, rèn luyện tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề là yếu tố rất quan trọng trước khi họ trở thành những người thợ lành nghề.
Năm 2024, Ngành lao động đã tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng dự thảo Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2025-2035. Triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với 6 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào: Tuyên truyền, giáo dục khởi nghiệp; tọa đàm, hội thảo; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng khởi nghiệp; kết nối doanh nghiệp.
Học sinh độ tuổi THPT huyện Đoan Hùng thực hành thiết bị phục vụ đào tạo nghề
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN cho 10 cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh (liên kết thực hiện các chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh 31.787 người, đạt 111,5% kế hoạch.
Ngành Lao động cũng đã thối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ việc làm, học nghề cho trên 1.686 lượt người; thẩm định hồ sơ hồ sơ pháp lý 28 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện, thành, thị.
Ở góc độ của người lao động, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và truyền nghề đạt 71,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,5%. Nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp “tìm” được nhau, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, an toàn lao động và quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, triển khai nghiêm túc. Ngành Lao động đã phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 16 phiên định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm – Giáo dục nghề nghiệp; 16 phiên Online và 3 phiên lưu động tại các huyện. Qua đó đã tư vấn cho 41.000 lượt người; giới thiệu việc làm trong nước cho 4.500 người.
Năm 2024, toàn tỉnh ước giải quyết việc tăng thêm 18.181 người, đạt 110,19% kế hoạch năm. Trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2.772 người, đạt 110,8% kế hoạch năm. Để mở rộng thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương để kịp thời kết nối, cung ứng lao động, nhất là nắm nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào Phú Thọ.
Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp. Mặt khác, cần đa dạng hình thức và nâng cao chất lượng kết nối doanh nghiệp – người lao động thông qua các sàn, các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động; lồng ghép các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh khu vực phía Bắc vào cùng các phiên giao dịch việc làm định kỳ…