Anh nông dân bỏ túi 1 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con "hiền như cục đất"

Thành công của anh Trần Duy Hưng với mô hình nuôi ốc nhồi đã tiếp thêm niềm tin cho những bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp.

Bỏ phố về quê nuôi ốc

Anh Trần Duy Hưng (xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) hiện đang sở hữu trang trại hơn 2 ha. Chia sẻ với báo Vĩnh Phúc, anh Hưng cho biết: “Nông nghiệp vốn là đam mê của tôi từ trẻ. Ngay từ những ngày còn rong ruổi các khắp tỉnh thành để làm công trình, tôi dự định ngoài 40 tuổi sẽ trở về quê hương, trở về với ruộng đồng, mong muốn gần vợ gần con và sống cuộc sống tự tại.

Nhưng thay vì chờ đợi, cuối năm 2019, tôi quyết định xin nghỉ việc, từ bỏ vị trí quản lý dự án của một công ty xây dựng ở Hà Nội để về quê hương, hiện thực hóa giấc mơ điền viên của mình khi mới ở tuổi 32”.

Được biết, anh Hưng nảy ra ý tưởng nuôi ốc nhồi một cách rất tự nhiên sau một buổi đi ăn cùng với bạn bè. Khi ấy, anh chưa bao giờ nghĩ, một nồi lẩu ốc lại có giá thành cao như vậy. Điều ấy đã thôi thúc anh bắt đầu tìm hiểu về con ốc nhồi. Càng tìm hiểu sâu, anh lại càng bị hấp dẫn.

Theo anh Hưng, nuôi ốc nhồi có chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế lại cao, thế nhưng, trên địa bàn tỉnh khi ấy, mô hình nuôi ốc nhồi quy mô lớn gần như không có.

Thấy được tiềm năng mà con ốc nhồi mang lại, anh quyết định đầu tư hơn 5 tỷ đồng phát triển trang trại nuôi ốc nhồi.

Không chỉ tập trung vào con ốc, anh kết hợp cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, tạo nên một mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín bao gồm chăn nuôi bò thịt, trồng cỏ, rau, củ quả an toàn, và nuôi ốc nhồi. Chăn nuôi bò giúp tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ việc trồng rau củ, quả, an toàn.

Vườn rau, củ, quả vừa tạo bóng mát, vừa là nguồn thức ăn sạch cho ốc, giúp ốc sinh trưởng phát triển tốt. Cách làm này đã giúp tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp phát sinh.

Nhờ đó, ngoài chi phí cải tạo ruộng đất, mua ốc giống trong năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi, gần như không phải mất thêm chi phí cho nuôi ốc. Ốc nhồi nằm ở cuối chuỗi sản xuất nhưng lại cho ra giá trị kinh tế lớn nhất.

Thu nhập 1 tỷ đồng/năm từ nuôi ốc nhồi

Với diện tích 2 ha, đến nay, mỗi năm trang trại của anh Hưng xuất bán 12 -20 tấn ốc thương phẩm và gần 300 vạn con ốc giống. Chưa tính giá trị tăng thêm từ chăn nuôi bò thịt và trồng rau, củ, quả; chỉ riêng con ốc nhồi đã mang lại cho anh Hưng khoản thu nhập 1 tỷ đồng/năm.

Hiện, trang trại của anh Hưng đang tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập bình quân 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, anh Hưng rất quan tâm đến việc đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội.

Anh Hưng nói với báo Vĩnh Phúc: “Song song với việc xây dựng trang trại, tôi cũng xây dựng 1 kênh youtube riêng, đồng thời kết nối với một số kênh youtube có lượt theo dõi cao để làm các video giới thiệu về mô hình cũng như sản phẩm của trang trại”.

Nhờ đó, dù sản lượng mỗi năm lên tới 12 -20 tấn ốc thương phẩm và gần 300 vạn con ốc giống, song trang trại của anh Hưng gần như chưa khi nào gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thậm chí, anh còn nhận bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ nuôi ốc nhồi trong và ngoài tỉnh.

Mô hình nuôi ốc nhồi kết hợp trồng kết hợp trồng rau, củ, quả của gia đình anh Trần Duy Hưng, xã Trung Kiên (Yên Lạc). Ảnh: Thế Hùng/báo Vĩnh Phúc.

Thành công với con ốc nhồi như vậy, nhưng với anh Hưng, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái mới thực sự là mục đích cuối cùng mà anh hướng tới.

Được biết, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, anh đã quy hoạch trang trại thành 3 phân khu gồm: Khu nuôi ốc thương phẩm, khu nuôi ốc sinh sản và khu sinh thái. Trong đó, khu sinh thái là nơi du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm với nhiều hoạt động như chụp ảnh, làm nông, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực từ những sản vật đồng quê.

Anh Hưng cho hay: “Ở giai đoạn này, trang trại vẫn đang tập trung vào sản xuất để thu hồi vốn. Tại khu vực sinh thái, chúng tôi mới chỉ bắt đầu trồng sen, hoa súng và một số loại cây để tạo cảnh quan. Dự kiến đến năm 2025, sau khi thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch sinh thái, mở rộng việc đón khách đến tham quan trải nghiệm”.

Kỹ thuật nuôi thương phẩm ốc nhồi

Theo website Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ốc nhồi (còn gọi là ốc bươu đen) là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Với kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc khá đơn giản, nuôi ốc nhồi đang là một hướng phát triển kinh tế mới giúp nhiều hộ nông dân làm giàu.

1.Chuẩn bị hệ thống ao nuôi ốc nhồi thương phẩm

– Vị trí ao nuôi: nên chọn những nơi có nguồn nước sạch và có khả năng cấp, thoát nước thuận lợi. Ao nuôi không nên quá lớn vì sẽ khó chăm sóc và quản lý địch hại; diện tích ao phù hợp từ 1.000-2.500 m2.

– Thiết kế ao nuôi hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 6-8 m; bờ ao thiết kế cao hơn mức nước tối thiểu là 0,5 m; đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống tiêu nước.

– Trước khi nuôi cần tát cạn, tẩy dọn sạch bùn ao, rắc vôi bột với liều lượng 5 – 8 kg/100m2 để diệt tạp và khử trùng ao nuôi. Sau 10-15 ngày phơi khô đáy ao, lấy nước vào ao nuôi qua lưới lọc để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Độ sâu mức nước trong ao từ 0,5 – 0,8m.

– Thả bèo lục bình hoặc bèo cái xung quanh ao để làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 20-30% diện tích ao nuôi; làm khung ngăn bèo không để bèo phát tán ra ao. Thả bèo tấm, các loại rong đuôi chồn,… tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Làm thêm giàn mướp xung quanh bờ ao vừa tạo bóng mát cho ao nuôi và lấy quả làm thức ăn cho ốc.

– Chuẩn bị ao xong và kiểm tra chất lượng nước ổn định (pH: 7,0 – 8,5, hàm lượng ô xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm duy trì từ khoảng 70,0 -120,0 mg CaCO3/l) thì tiến hành thả ốc giống.

2. Lựa chọn và cách thả ốc giống

– Chọn mua ốc giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; ốc giống có kích cỡ từ 0,3 – 0,5 g/con trở lên, ốc giống đồng đều, khoẻ mạnh, không bị bệnh, không mòn vỏ, màu sắc tươi sáng.

– Cách thả giống: Thả ốc vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa. Khi thả ốc cần lưu ý thả ốc lên các vật nổi trên mặt nước ao (tấm xốp, lá chuối, vật liệu nổi khác,…) để ốc thích nghi dần với môi trường ao nuôi và sẽ tự bò ra ao. Không được thả trực tiếp ốc xuống ao, ốc sẽ bị chìm xuống đáy ao và bị chết. Mật độ giống thả nuôi trong ao là 80-100 con/m2.

– Thời vụ nuôi: Ở miền Bắc thả ốc giống từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm để ốc kịp phát triển đạt kích cỡ thương phẩm, tránh thời tiết lạnh giá của mùa đông (vì khi mùa đông ốc không lớn và dễ bị chết do nhiệt độ xuống thấp).

3. Thức ăn và cách cho ăn

Ốc nhồi là loại ăn tạp thiên về thực vật như: thực vật thủy sinh, lá sắn, bèo tấm, rau muống,…; các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, mướp, bí xanh, đu đủ,..), bột ngũ cốc (bột cám, bột đậu nành, bột ngô ….). Thức ăn công nghiệp viên nổi (hàm lượng protein từ 20-24%) cũng là nguồn thức ăn rất tốt.

– Lượng thức ăn và cách cho ăn: Lượng thức ăn được tính dựa trên khối lượng ốc trong ao và khả năng ăn của ốc. Trong 1 tháng đầu cho ăn ở mức 5-6% tổng khối lượng ốc trong ao; từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3 cho ăn 3-4 % khối lượng ốc trong ao, từ tháng thứ 4 đến khi thu hoạch ốc cho ăn 2-3% khối lượng ốc trong ao. Cho ăn 02 lần/ngày vào lúc sáng sớm (6 – 7 giờ sáng) và chiều tối (5 – 6 giờ tối).

Lưu ý:

+ Thức ăn xanh để nguyên cả lá, không băm nhỏ vì ốc có tập tính bám, nó thường bám dưới mặt lá để ăn.

+ Thức ăn tinh: mỗi ngày chỉ cho ăn thức ăn tinh 1 lần. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc, khoảng 0,5 – 1,0% khối lượng ốc trong ao.

+ Trước khi cho ốc ăn lần sau phải kiểm tra thức ăn lần trước, nếu thấy còn thức ăn cũ thì phải vớt hết rồi mới cho thức ăn mới, đồng thời giảm khẩu phần cho ăn. Thức ăn phải biết rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn, không thu gom thức ăn rau củ quả thu gom ngoài chợ vì dễ có thuốc, hóa chất bảo quản, ốc ăn vào sẽ bị chết.

4. Quản lý môi trường ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh

Chất lượng môi trường nước ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của ốc. Do đó cần phải đảm bảo môi trường nước ổn định, sạch và duy trì các yếu tố môi trường thuận lợi cho ốc phát triển (pH: 7,0 – 8,5 hàm lượng ô-xy hòa tàn tan > 4 mg/l, độ kiềm khoảng 70,0-120,0 mg CaCO3/l, nhiệt độ nước từ 22-30 độ C).

Trong thời gian 2 tháng nuôi đầu không cần thay nước, trừ khi ốc bị bệnh. Sang tháng nuôi thứ 3, định kỳ 2 tuần thay nước 1 lần, mỗi lần thay 30-35% lượng nước trong ao. Sử dụng các vi sinh để làm sạch môi trường ao nuôi, định kỳ 2 tuần/1 lần. Bổ sung khoáng CaCO3 và vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho ốc, hạn chế dịch bệnh cho ốc.

Hàng ngày theo dõi, quan sát hoạt động ốc trong suốt quá trình nuôi; kiểm tra hệ thống ao bờ nuôi và kiểm soát các địch hại của ốc.

5. Thu hoạch ốc thương phẩm

Anh nông dân bỏ túi 1 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con "hiền như cục đất"- Ảnh 2.

Ốc nhồi thương phẩm. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông quốc gia

– Ốc nhồi sau khi nuôi từ 3-4 tháng đạt trọng lượng 25-30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Tỷ lệ sống đạt 75-80%, năng suất đạt 10-15 tấn/ha.

Ốc nhồi thương phẩm đạt 25-30 con/kg cho thu hoạch

– Phương pháp thu hoạch: Buổi sáng và buổi tối ốc thường nổi lên bám vào lá sắn, rễ bèo để ăn nên việc thu hoạch rất dễ. Có thể thu tỉa bằng cách dùng thuyền đi quanh bờ ao để bắt những con to.

– Nếu muốn thu hoạch toàn bộ ốc còn lại trong ao thì sau khi dùng thuyền thu tỉa, có thể tháo cạn nước ao, bắt ốc bằng tay hoặc dùng cào sắt để gom ốc. Chú ý ốc thường chui sâu dưới đáy ao khi rút cạn nước, vì vậy cần bắt kỹ để tránh bỏ sót ốc trong ao.

Lưu ý:

+ Nên thu hoạch ốc trước mùa đông vì khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, ốc sẽ chết.

+ Nếu lưu giữ ốc qua đông làm ốc bố mẹ sang năm thì cần có biện pháp trú đông cho ốc hiệu quả, nhất giữ ẩm và che chắn gió, mưa, cũng như ngăn các động vật như chuột, rắn, chim, cò, ếch nhái,… vào bể hại ốc. Trong thời gian trú đông không cần cho ốc ăn, chỉ cần giữ ẩm cho ốc.

Minh Hoa (t/h)